Tình cờ, tôi mua được cuốn sách này khi ngụp lặn trong hội chợ sách sale off của nhà sách Fahasa : Fabulous Ways with Eggs.
Đem về đọc thấy cũng có nhiều cái hay ho nên lượm lặt vài điều đem lên đây tặng các bạn xem chơi cho vui.
Người ta giới thiệu trứng – các loại trứng – là một sản vật có từ ngàn xưa nên được các dân tộc trên thế giới gắn kết nó với nhiều biểu tượng lắm : mặt trăng, mặt trời, thần thánh gì gì đó, nhưng tôi thấy biểu tượng hay ho thú vị nhất là “sự sinh sản”. Ví dụ như ở Pháp thời xưa, các cô dâu khi bước chân về ngôi nhà mới của mình sẽ đập vỡ 1 quả trứng nơi bậc cửa để đảm bảo rằng mình sẽ sinh sôi con đàn cháu đống !!!
Tiếp đó, người ta giảng về cấu tạo của quả trứng, cái này hồi xưa trong chương trình tiểu học hình như tôi có học rồi, và còn ngồi vẽ lại hình cấu tạo quả trứng nữa thì phải. Nếu con cháu mình cũng phải học lại như thế thì khổ nhỉ, vì chỉ search bác Gú một tí là ra :
– Vỏ trứng : chiếm 12% trọng lượng của toàn quả trứng, thành phần chính là calci
– Buồng không khí : dễ ẹc, ai cũng biết là trứng tươi có buồng khí nhỏ hoặc không có, trứng cũ thì buồng khí to đùng, do không khí bên ngoài thẩm thấu vào vỏ trứng. Vì vậy, để kiểm tra trứng cũ hay mới, người ta có 2 cách : một là soi lên ánh sáng, để nhìn xem buồng khí to nhỏ ra sao. Hai là thả quả trứng vào nước, nếu trứng chìm là tươi, trứng nổi là cũ rồi. Nhưng cái vụ thả vào nước thì áp dụng ở nhà thôi nhé, ra chợ mà vạch hộp trứng 10 quả của người ta ra thả vào nước để kiểm tra chắc bị đánh bươu đầu !
– Lòng trắng : chiếm 67% trọng lượng quả trứng, và hơn nửa thành phần chất đạm của quả trứng. Giờ tôi mới biết điều này, cũng đỡ “đau lòng” mỗi khi thằng con lớn đòi ăn lòng trắng không thôi, tôi cứ tưởng lòng trắng chẳng có gì bổ béo chứ ! (Hai nhóc nhà tôi, đứa thì chỉ thích ăn lòng đỏ, đứa thì chỉ thích ăn lòng trắng, sao mà hợp nhau thế !)
– Lòng đỏ : chiếm gần nửa lượng đạm còn lại cùng với toàn bộ 13 loại vitamin (đặc biệt không hề có Vitamin C), toàn bộ chất khoáng và chất béo của quả trứng.
-Trứng là một món không khuyên dùng cho người có nguy cơ cao cholesterol. Với người thường thì xơi 1 quả/ngày là không ảnh hưởng gì tới sức khỏe cả.
– Vi khuẩn Salmonella và virus H1N1 : Salmonella gây bệnh thương hàn, H1N1 thì gây nên cúm gà. Hai chàng này đều ghê cả, đã đành bây giờ ở VN có các loại trứng đóng dấu kiểm dịch, nhưng có trời mà biết kiểm thế nào, ra sao, và chẳng lẽ đi quán cafe ăn sáng bánh mì trứng ốp-la lại phải xông thẳng vào bếp ngó xem người ta dùng trứng đã kiểm hay chưa kiểm. Vì vậy chúng ta cứ ăn chín, uống sôi là tốt nhất nhỉ.
Nói thì nói vậy nhưng tôi thèm thuồng làm sao cái món trứng nửa sống nửa chín “a la coq” mà hồi bé mẹ tôi hay cho ăn sáng : Mẹ cho trứng vào 1 cái ca, đun nước sôi, đổ vô cái ca, đậy nắp lại một lúc, vớt trứng ra, đập đập đầu quả trứng, bóc ra, rắc muối tiêu và dùng muỗng nhỏ múc múc như ăn hột vịt lộn. Ui chao nó bùi béo, ngậy không làm sao quên nổi. Đó là món cao lương mỹ vị thời bao cấp mà nhà tôi ngày nào cũng có nhờ nuôi cả chục con gà mái trong 1 cái chuồng chật hẹp đóng ngay góc sàn nước trong nhà.
(photo : internet)
Hai thằng cha vi khuẩn/virus ghê gớm nói trên, may thay, nó sẽ “đai” (die : chết) ở nhiệt độ 60-70 độ C trở lên vì vậy chị em mê làm bánh trái có thể yên tâm nhé, vì đa số các hỗn hợp trứng sống khi làm bánh, làm kem đều phải kết hợp với một hỗn hợp nước đường nóng sôi, hoặc đun cách thủy trên bếp hoặc đun nóng già trên 70 độ C cả.
Trong sách này, người ta cũng nói rằng trứng gà vỏ nâu chẳng có khác trứng gà vỏ trắng chỗ nào hết.
Và có ai thấy trứng gà 2 tròng đỏ chưa nhỉ, hồi bé gà nhà mình thỉnh thoảng đẻ được trứng 2 tròng đấ. Nhưng 3 hay 4 tròng thì chưa thấy bao giờ, hì hì (vậy là gà vẫn thua người nhỉ, người ta sinh 3, sinh 4 khối gì, thế mà lại có câu “đẻ như gà”, chắc nhờ tần suất của nó !)
(photo : internet)
– Bảo quản trứng : rất cần cho vào tủ lạnh, nếu không thì trứng sẽ rất mau cũ và hỏng. Nếu cho vào tủ lạnh, có khi để được 3-4 tuần, chứ để ở ngoài nếu gặp mùa trời nóng thì chỉ 3-4 hôm là có khả năng hỏng.
– Tồn trữ trứng luộc rồi : cái này mới là ngỡ ngàng nè, người ta khuyên không nên trữ trứng luộc rồi, dù để trong tủ lạnh vì ba lý do : Một – tròng đỏ sẽ xuất hiện 1 quầng thâm rất xấu (cái này tôi thấy rồi). Hai – quả trứng sẽ có mùi khó ngửi (cái này tôi không để ý). Ba – lòng trắng trứng sẽ cứng và dai nhách (đúng vậy).
– Tồn trữ trứng chiên : để tủ lạnh được 1-2 ngày (trời ơi, trứng chiên mà cất tủ lạnh 1-2 ngày làm chi hả trời, đúng là “sách”)
– Tồn trữ trứng sống : nhiều khi để làm bánh, làm kem, chị em mình chỉ dùng lòng đỏ hoặc chỉ dùng lòng trắng thôi, nên “cái lòng” còn lại phải cất. Sách nói : lòng trắng cất trong hộp đậy kín, để ngăn mát hoặc ngăn đông đá đều được. Lòng đỏ thì cũng trong hộp đậy kín nhưng cho nước lạnh vào hộp cho ngập trứng, khi nào dùng thì chắt hết nước ra rồi dùng, vì lòng đỏ nó sẽ bị khô, đóng màng keo keo lại, ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.
Với trứng đã đánh tan chung lòng đỏ và trắng, sách kêu “nêm thêm chút muối và cho nó lên ngăn đông đá”, tôi kêu : chiên nó với nước mắm, hành lá ăn luôn cho rồi, ha ha …
Tôi hứa sẽ nghiên cứu 70 món ăn với trứng mà người ta giới thiệu trong sách, làm thử và ăn thử, rồi đưa lên blog này những món nào mà tôi cho là thật sự thú vị, nhưng nếu lâu quá chưa thấy tôi đưa lên, các bạn đừng giận nhe, gửi cho tôi một quả bom thư để nhắc nhở thôi