15 năm mới quay lại Phú Quốc, đông vui tấp nập hơn xưa, có đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư đàng hoàng (hồi xưa chưa có) và khác biệt lớn nhất là … con đường chính đi vòng quanh đảo đang bị cày xới nát bấy như tương tàu do phải mở rộng đường (tại sao phải mở rộng đường ở PQ nhỉ ???). Đâu rồi những con đường nhỏ xuyên qua những khu rừng vắng, đẹp như ở nước ngoài ? Đâu rồi cảnh du khách thong thả chạy xe máy tham quan vườn tiêu, suối Tranh và những bãi biển hẻo lánh ? Đâu phải cứ hoành tráng hơn là sẽ đẹp hơn ?

Điều buồn bã nhất là bãi biển trong mơ của tôi và các bạn cùng đoàn hồi ấy (kỳ này cũng đi cùng), giờ đã dơ dáy hơn, xô bồ hơn : bãi Kem. Hồi xưa nó là khu vực do hải quân quản lý, muốn vào tắm biển ở đó, bác Sáu Thời* – một “già làng” ở Phú Quốc mà cuối bài tôi sẽ giới thiệu kỹ hơn – đã phải vào doanh trại hải quân để xin giấy phép cho chúng tôi vào. Bởi vậy, bãi biển hồi ấy hoàn toàn vắng lặng, cát trắng tinh, mịn màn, sạch sẽ (có lẽ vì thế mà người ta đặt tên nó là bãi Kem ?). Nước biển trong veo, hầu như không có sóng, đứng dưới biển nước ngập đến cổ mà nhìn xuống còn thấy từng ngón chân mình đang ngọ nguậy. Bãi biển rất lài, đi ra xa mấy chục mét mà nước chỉ ngập tới bụng, tắm mãi mà không muốn lên.

Giờ đây, bãi Kem có nhiều hàng quán mọc lên, bãi cát lẫn nhiều rác, nước biển đục hơn đôi chút, nhưng khi lội ra xa thì vẫn còn sạch, dù sao cũng còn hơn biển Vũng Tàu !!!

Các bé thiếu nhi trong đoàn, sau khi reo mừng (hụt) vì thấy một bộ xương cá do người ta ăn xong vứt ra trôi dật dờ ở mép nước, tưởng đâu cá ở ngoài biển dạt vô thì rốt cuộc cũng tóm được một chú sao biển còn sống đàng hoàng, nói chung có thể kết luận là môi trường tự nhiên ở đây vẫn chưa đáng báo động lắm ???

Bãi Kem xưa :

Và nay :


Suối Tranh, nước vẫn tràn đầy, nhưng lại rác, đi đâu cũng thấy rác, thấy người ta ngang nhiên xả rác mà mình muốn xông tới gây lộn ghê !

Phần sight seeing coi như thất bại thảm hại nên ai nấy đành tập trung vào … ăn uống.

Nhà hàng Trùng Dương là nơi đoàn tụi tôi đóng đô ăn ở đó liền tù tì hai buổi tối, chắc là cũng nổi tiếng, vì anh taxi hoặc xe ôm nào cũng đều biết nó. Thức ăn nêm nếm rất vừa miệng.

Gỏi cá trích, đặc sản nổi tiếng của PQ. Cá trích sống, lạng fillet lấy nạc bỏ xương, bóp sơ với nước cốt chanh cho tái rồi xếp vào đĩa. Dùng bánh tráng, gói cá với dừa nạo, rau sống, hành tây, đậu phọng rồi chấm với nước mắm chua ngọt có rắc đậu phọng giã dập.

Món này, hồi xưa bác Sáu Thời có đãi chúng tôi, món của bác đặc biệt hơn ở cái bánh tráng : thấy người nhà bác bưng đĩa bánh tráng đã nhúng sẵn ướt nhèm ra, cả đoàn trợn mắt lo lắng “làm sao mà gỡ bánh tráng ra không bị rách đây trời ???”. Như đoán được sự lo lắng của chúng tôi, bác bảo : cứ gỡ ra thử đi con ! Quả thiệt, bánh tráng mềm mượt, không cái nào dính cái nào, mùi vị beo béo, thơm thơm nữa chứ. Thì ra, bí quyết là nhúng bánh tráng vào nước cốt dừa pha loãng ! Chất dầu trong dừa giúp cho bánh tráng không bị dính nhau ! Hura !

Cồi mai chiên vàng, vừa ăn vừa thổi

Ốc nhảy hấp gừng, ngọt & mềm, ngon hơn ốc hương nhiều

Rồi cơm chiên ghẹ nè, miến xào ghẹ nè, hầu như không thấy cua ở PQ, chỉ có ghẹ ?

Đặc biệt nhất là đây, con nhum (tên địa phương) còn gọi là cầu gai, tiếng Anh là sea urchin.

Nó, lúc còn sống :

(photo : from internet)

Nó, lúc đã lên đĩa (photo : từ iphone tác giả bài này). Nhà hàng bán mấy chục ngàn một con sau khi cắt gai và khoét lỗ, không nấu nướng gì cả (ăn sống mà).

Mấy chú cầu gai kỳ này gầy quá gầy, nạo ra được có chút thịt, chưa kịp nếm mùi vị thì nó đã tan ra trên lưỡi và trôi tuột vào cổ họng ! Chồng tôi bảo, về Sài Gòn ăn nhum Nha Trang béo hơn và ngon hơn, chỉ mới thấy hứa, hổm giờ chưa được ổng dắt đi ăn nữa !

Mấy chú nhum này, làm tôi và các bạn trong đoàn cười đau bụng khi nhớ về chuyện của 15 năm trước : trong khi đang bơi lặn thỏa thích ở ngoài một đảo nhỏ của PQ, một bạn gái trong đoàn đạp trúng cái gai của con nhum này. Vì gai có chất độc, vết thương rất đau nhức, nàng ta khóc hu hu. Bác Sáu Thời bảo, dân địa phương chữa chất độc này bằng cách bóp vết thương với … nước tiểu của đàn ông ! Nàng liền nhìn qua anh chồng mới cưới đầy hy vọng. Chàng tái mặt, gãi đầu : anh lỡ, anh mới xả mất rồi Cry

Thấy tình cảnh thảm thương quá, mấy thanh niên trong đoàn giơ tay xung phong “cho”, nhưng mà nàng hỏng có chịu “nhận”, đòi là phải của chồng cơ (khổ ghê, người ta cho gián tiếp chứ có cho trực tiếp đâu mà sợ). May thay sau một hồi hì hục uống nước, chàng đã có “thuốc giải độc” cho nàng. Hai vợ chồng này giờ đi Mỹ rồi chứ không chúng tôi cũng rủ đi chung kỳ này để cùng nhớ lại kỷ niệm.

Có lẽ vì sự cố này mà hồi đó nhóm chúng tôi đã không ăn nhum, hay vì hồi đó người ta chưa khai thác nó như một đặc sản ? Không biết nữa.

Hồi đó còn có một món nữa, mà lần này không thấy ở PQ : răng mực, chính xác hơn thì là cái nướu của con mực. 15 năm trước, thấy người ta bưng ra 1 đĩa, đầy các viên nhỏ, tròn tròn, trăng trắng, dùng tăm ghim chấm nước mắm gừng, ăn giòn và ngọt, ngon kinh khủng ! Ăn xong bác Sáu đố biết là cái gì, không có ai trả lời được hết bác mới giải đáp, nó là cái nướu răng của con mực. Trời dất, vậy là cái đĩa đó đã làm cho hàng trăm con mực bị sún răng à ??? (mỗi con chỉ có 1 răng thôi mà, ngay giữa cái xúc tu của nó). Món đó công phu lắm, vì người ta phải rứt cái răng ra khỏi xúc tu, xong rồi nặn cái răng cứng, sắc nhọn của nó ra, để lại cái nướu rồi mới chế biến. Về sau này có lần tôi đặt mua 1kg răng mực ở Phan Thiết mang về, cặm cụi gỡ được gần 1/2kg xong phải vứt luôn 1/2kg còn lại vì không đủ kiên nhẫn

Đây là răng mực ở Phan Thiết (photo : google search)


(Photo : google search)

Đúng là món ngon nhớ mãi, không chỉ nhớ món ăn mà còn nhớ cả con người và miền đất mà mình đã đến.

Bác Sáu Thời nay không còn sống nữa, lúc sinh thời bác là chủ hãng nước mắm Hưng Thành, là một trong những nhà thùng nước mắm lâu đời nhất tại Phú Quốc và là cơ sở đầu tiên xuất khẩu được nước mắm sang Châu Âu nhờ đạt được các chỉ tiêu về chất lượng và vi sinh. Website : nước mắm Hưng Thành

Những năm 1996-1997, tôi làm việc cho một công ty thương mại của Nhật, công ty có khách hàng là một công ty thực phẩm Nhật Bản cần mua nước mắm để sản xuất thức ăn chế biến. Khách không đưa ra chỉ tiêu gì cả, chỉ yêu cầu mua tất cả các loại nước mắm có trong thị trường VN rồi gửi sang Nhật cho họ tự đánh giá. Thế là tôi lê la đi ra chợ và siêu thị, cứ mỗi nhãn hiệu nước mắm tôi lại mua một chai, xong đóng gói, bỏ thùng, gửi tất cả qua Nhật. Sau 1 tháng kiểm tra, khách hàng chọn ra đúng 2 thương hiệu thôi : Hưng Thành và Hồng Hạnh. Thế là từ đó đến nay, nước mắm của hai đơn vị này cứ đều đều xuất khẩu đi Nhật và các nước khác, không chỉ thông qua công ty tôi mà nhiều công ty khác nữa. Kiểu làm ăn chân chính, lấy chất lượng làm đầu, luôn luôn sẽ được những khách hàng tinh tường nhận ra và tín nhiệm.

Bác Sáu hồi ấy cũng phải gần 70 tuổi, nhưng rất tinh anh, nói tiếng Anh tiếng Pháp veo veo, lại khỏe khoắn dẻo dai, bác dắt bọn tôi đi tham quan khắp đảo, toàn thanh niên mà đi không kịp bác luôn. Do lâu ngày không còn liên lạc, mấy năm trước, tôi chợt tìm thấy vài tấm hình chụp chung với bác trong chuyến đi nên liền đến nhà bác để gửi lại thì mới biết bác đã mất rồi ! Bác ơi, mỗi khi nghĩ về Phú Quốc hay đến thăm Phú Quốc, con sẽ luôn nhớ về bác …

Bác Sáu Thời cùng với 4 “kiều nữ” của Nichimen Corporation tại Phú Quốc 1997