Phần này tôi sẽ nói những gì mình biết về Bố Cục & Ánh Sáng trong food photography, và dĩ nhiên cũng chỉ hạn chế trong khả năng của một amateur mà thôi.

Một tấm ảnh đẹp phụ thuộc rất nhiều vào bố cục và ánh sáng, nguyên tắc này có thể nói là áp dụng cho mọi thể loại ảnh nói chung, ảnh food cũng không vượt ra ngoài nguyên tắc này.

Với một người mới bắt đầu chụp ảnh, sẽ mất khá nhiều thời gian để quan sát những ảnh mẫu và thực tập chụp, rồi tùy vào năng khiếu của từng người, thời gian sẽ dài ngắn khác nhau để có được những tấm hình đẹp. Về styling, khả năng làm bếp không quyết định nhiều lắm đến khả năng styling đâu nha, bạn vẫn có thể sắp xếp những món ăn người khác làm ra, hoặc sắp xếp những nguyên vật liệu tươi ngon để cho ra những tấm hình đẹp.

Bố cục liên quan tới người stylist và người chụp (người stylist sẽ nấu, sắp xếp & trình bày thực phẩm, người chụp sẽ chọn góc độ chụp, hoặc xê dịch sắp xếp lại thực phẩm để lên hình cho đẹp), việc sắp đặt ánh sáng thì chỉ liên quan tới người chụp thôi.

1) Bố cục : bao gồm hình dạng, màu sắc, chất liệu của thực phẩm và những vật trang trí phụ.

– Hình dạng : Tùy theo mục đích hoặc tính chất của thực phẩm mà ta chọn cách sắp xếp phù hợp. Với các stylist chuyên nghiệp, họ biết một số quy luật về bố cục như “hình tròn đồng tâm, hình xoắn ốc từ phải qua trái hoặc từ trái qua phải …” để thu hút con mắt nhìn của người xem, người ăn, nhưng có khi cũng chẳng cần theo quy luật nào, con mắt thẩm mỹ của stylist sẽ quyết định tất cả. “Rules are made to be broken” mà lị ! Nói vậy để các bạn amateur chúng ta đừng quá băn khoăn với mấy cái quy luật đó.

– Với người chụp, nên xoay sở, cố gắng chọn bố cục và đóng khung cho hình ngay khi bấm máy chụp luôn, chứ đừng ỷ lại chức năng crop hình, cắt cúp chỉnh sửa của photoshop sau khi load vào máy vi tính. Nên thử chụp một chủ đề với nhiều góc độ chụp khác nhau (cao, thấp, bên phải, bên trái, xoay đĩa đồ ăn hướng này hướng khác, nghiêng máy …). Bố cục theo quy luật 1/3 (Rule of Thirds) trong các thể loại chụp hình khác vẫn là nguyên tắc hàng đầu trong chụp food. Để hiểu rõ thêm về quy luật 1/3, các bạn có thể vào link này, và link này để xem giải thích kèm hình minh họa.

Như tôi đã nói ở phần 1, nên chụp từ 1 góc thấp, trên dưới 45 độ, và chụp gần, để thấy thức ăn được nổi bật, và dễ có hậu cảnh mờ nhòe. Chỉ nên chụp từ trên xuống khi tay nghề stylist của bạn đã khá hơn.

– Những vật trang trí phụ : Nên sử dụng chọn lọc và phù hợp với chủ thế, đừng lạc “tông” và cũng đừng quá nổi, kẻo người xem lại nhầm nó là chủ thể chính. Không nên dùng quá nhiều “đạo cụ” (nĩa, khăn, lọ hoa, ly nước …) vì nó sẽ làm rối bố cục và giảm sự chú ý đến chủ thể.

Nên xem thật nhiều sách nấu ăn có hình ảnh đẹp, để học hỏi về bố cục của họ.

– Màu sắc : nên chọn màu sắc tương phản giữa các thành phần của món ăn với nhau, hoặc tạo sự tương phản giữa màu của món ăn và màu của vật đựng.

– Chất liệu : thực phẩm nên được trình bày ở trạng thái tươi mới nhất, căng mọng nhất, nên dùng cọ quét thêm chút dầu ăn lên bề mặt thực phẩm để nó phản chiếu ánh sáng, tạo hiệu quả nhiếp ảnh, v.v…

– Kỹ thuật nghiêng máy khi chụp thường giúp cho món ăn nhìn có vẻ sống động hơn, nhưng nó hay tạo cảm giác không hay là thức ăn sắp trượt, rơi rớt ra khỏi đĩa, nên nhớ cẩn thận khi nghiêng máy.

2) Ánh sáng :

2.1) Ánh sáng tự nhiên

– Nguồn sáng đẹp nhất và ít tốn kém nhất là ánh sáng tự nhiên ban ngày !

– Nơi chụp hình food lý tưởng là chụp trong nhà, bên một cái cửa sổ tràn đầy ánh sáng tự nhiên đổ vào. Nhưng tránh tia sáng mặt trời rọi trực tiếp nhé, hình sẽ bị “cháy” (“cháy” có nghĩa là những vệt sáng nhức mắt trên chủ thể do ánh mặt trời tạo ra). Nếu lúc chụp có tia nắng rọi trực tiếp thì nên dùng một cái màn voan mỏng để che cửa sổ lại. Ngoài ra, nên dùng một tấm phản chiếu (bìa, nắp thùng xốp màu trắng, gương soi) để đối diện với cửa sổ nhằm giảm bóng đen do chủ thể đổ bóng xuống bàn. Các loại đèn chiếu, đèn flash đánh lên trần cũng cùng công dụng, nhưng cái đó của dân pro, mình không với tới. (Ngôi nhà mình đang ở, rất tiếc, không có cái cửa sổ nào tràn đầy ánh sáng, vì các cửa sổ đều ở hướng Nam hoặc Bắc, vì thế mình toàn chụp ngoài sân vườn)

Dưới đây là các ví dụ về cách sắp đặt khi chụp ảnh bên cửa sổ, mình “chôm” từ flicker về :



– Chụp ngoài trời cũng đẹp nhưng nên tránh ánh sáng trực tiếp rọi vào chủ thể hoặc dùng 1 miếng vật liệu trắng mờ treo trên cao để che cho ánh sáng bớt gắt và không chiếu thẳng vào chủ thể. Nếu chụp dưới bóng râm thì cần chiếu thêm đèn và dùng thêm tấm phản chiếu. Có khi phải dùng flash nữa.

Những bóng nắng trông lung linh quá phải không ?


2.2) Ánh sáng đèn

– Đa số phụ nữ chúng mình ngày nay ban ngày mắc đi làm, chiều về mới nấu, nướng bánh, tối mới có thời gian chụp thì đành phải sử dụng đèn thôi các bạn ạ.

– Đèn của dân pro thì không bàn đến trong phạm vi bài này rồi, nhưng cũng nên xem qua cho biết.


– Không dùng đèn flash tự động có sẵn trong máy nhé (built-in-flash) vì nó sẽ cho ra tấm hình rất chán, rất xấu. Nếu có flash rời, nên hướng cho flash đánh lên trần nhà (trần màu nhạt & thấp sẽ hiệu quả hơn).

– Dân amateur chúng ta có thể dùng tạm đèn bàn (loại dùng để đọc sách) : khoảng 2 cái đèn bàn có ánh sáng trắng, dùng thêm 1 số gương soi, tấm phản chiếu, giấy nhôm loại dùng để nướng thịt cá là ổn rồi. Nếu đèn chiếu sáng quá, chủ thể bị “cháy” thì lại phải dùng baking paper để làm mờ bớt nguồn sáng đấy. Dưới đây là hình minh họa :


– Bạn nào dùng máy DSLR thì tăng ISO lên và dùng chức năng “bù sáng”, nhưng đừng tham tăng ISO quá nhiều nhé, hình sẽ bị “nhiễu” như ti vi thời còn dùng ăng-ten râu !

– Nên gắn máy trên chân đứng (tripod) nếu có, vì khi thiếu ánh sáng, mà máy để ở chế độ Av thì tốc độ màn trập sẽ tự động chỉnh cho chậm lại nhằm thu đủ ánh sáng vào hình, nếu cầm máy bằng tay sẽ không tránh khỏi chuyện rung máy và mờ hình.

Đến đây thì chắc nhiều bạn sẽ bảo : thế này mà kêu là amateur ! Nhưng thật tình mình thấy những gì mình trình bày là amateur thiệt, vì càng tìm hiểu sâu vào lãnh vực này, mình càng thấy rõ mức độ amateur của mình. Những bạn nào đã có đam mê thì cố gắng nhé, “ăn chơi thì phải nghiến răng” chứ, nếu không còn răng thì nghiến lợi Sealed

(Chờ xem tiếp phần 5 : những nguồn tham khảo thêm)