3. Kỹ thuật chụp ảnh

Có máy rồi, việc đầu tiên cần làm là tập lấy nét. Với máy PnS, người chụp chỉ cần nhấn nhẹ nút chụp để máy tự động focus lấy nét. Giờ xài DSLR, mặc dù bạn vẫn có thể để chế độ tự động (gạt qua nút AF trên ống kính) nhưng ai lại làm thế, phí lắm !

Bạn gạt qua nút MF (Manual Focus), bật máy lên, kê mắt vào lỗ ngắm (view finder). Từ lỗ ngắm, bạn thấy mọi thứ mờ tịt đúng không ? Bạn dùng tay thuận cầm chặt máy hình, tay trái cầm vào ống kính rồi xoay nhẹ ống kính qua lại đến khi vật thể mà bạn đang nhắm đến trở nên thấy rõ hết nét thì “bắn” liền – í quên – nhấn nút chụp liền. Nếu xoay hoài mà bạn vẫn thấy hình trong ống ngắm chưa được rõ, xin thưa là bạn bị cận, viễn, lão hoặc là loạn thị rồi. Khi đó, bạn vặn chỉnh cái nút có biểu tượng +/- nhỏ xíu ngay ở lỗ ngắm (vừa vặn vừa ngắm thử) sao cho thích hợp với cặp mắt cận, viễn … của bạn. Nhớ hồi tôi mới bị tăng độ lão thị mà không biết, lúc chụp hình không thế  nào lấy nét rõ được, hình nào chụp ra cũng mờ mờ ảo ảo, thế là tôi cứ kêu inh ỏi lên là máy bị hư. Sau đi khám mắt, biết mình bị lão, tôi mới sực nhớ trên lỗ ngắm nó có nút để chỉnh, chỉnh qua lại một hồi tự nhiên thấy view finder rõ như ban ngày !

Để kiểm tra tại chỗ xem hình chụp có rõ nét không, bạn vào chế độ xem lại hình đã chụp, rồi bấm zoom cho hình to lên, sẽ phát hiện được là rõ hay mờ (mờ, mất nét còn gọi là “out”). Mà muốn rõ nhất là ta load hình vào máy vi tính rồi xem là chắc chắn 100% luôn. Tập chụp hình rõ nét và biết phải focus vào đâu cũng mất một thời gian chứ không phải một phát ăn ngay đâu.

Biết lấy nét rồi thì nên bắt đầu chụp thật nhiều hình để luyện khả năng lấy bố cục, chọn góc máy cho đẹp. Phổ biến là để máy ở góp thấp, khoảng 45 độ so với mặt bàn và món ăn, khoảng cách từ máy đến món ăn thì tùy thuộc loại lense đang sử dụng, kích thước của món ăn và style của tấm ảnh.

(Chụp từ hướng 45 độ so với mặt bàn)

Nhưng đôi khi cũng có kiểu chụp từ trên xuống dưới, với điều kiện là layout trên bàn đẹp hoặc có cá tính. Thật ra phong cách chụp thẳng từ trên xuống dưới đã xuất hiện từ rất lâu, lâu đến nỗi người ta đã coi nó là lỗi thời, vì nó làm thức ăn bị bẹt ra, hình bị phẳng, không có cảm giác khối. Tuy nhiên, nó vẫn có một vẻ đẹp rất riêng mà chúng ta không nên bỏ quên.

cheesecake

(Chụp thẳng từ trên xuống)

Cách cài đặt các thông số chụp :

Nếu đi sâu vào chuyên môn chụp ảnh, các bạn có thể vào các forum nhiếp ảnh lớn như photovn.net, vnphoto.com để học hỏi. Trong đó có post những bài giảng rất sâu rộng về bố cục, khẩu độ, tốc độ, depth of field …

Với dân tay ngang, chúng ta chỉ cần như thế này :

Trên máy, có một nút tròn để cài đặt chế độ chụp, nó liệt kê các chữ viết tắt sau đây : B, M, Av, Tv, P … Bạn chỉnh nút đó về chế độ Av (ưu tiên khẩu độ) tức là khi chụp, bạn chỉ lựa chọn khẩu độ để chụp, máy sẽ tự tính toán và cài tốc độ tương ứng dùm mình.

  • Nếu muốn vật thể ta nhắm đến được rõ mồn một, các thứ khác xung quanh và đàng sau mờ nhạt hết thì ta chọn chỉ số Av nhỏ thôi, cỡ 2.8 cho đến 5.6 (bạn phải xem catalogue máy mình xem chọn nó ở đâu, vì tôi chỉ quen xài Canon, không biết rành các máy khác). Nếu chọn Av thấp quá thì nên gắn camera vào tripod để tránh rung, mờ hình.
  • Nếu muốn vật thể đang nhắm đến và 1 vài chi tiết xung quanh cũng được rõ thì chọn chỉ sổ Av lớn hơn, cỡ từ 6.3 trở lên. Lúc này hậu cảnh vẫn mờ nhòe, độ mờ nhòe nhiều hay ít thì còn tùy loại lense đang sử dụng và khoảng cách từ vật đến hậu cảnh.

Cách sử dụng máy thì sơ sơ là vậy, bạn cứ tìm hiểu kỹ máy của mình, mày mò từng chức năng, chụp thử thoải mái, nếu không đẹp thì xóa. Dần dần, bạn sẽ tự nhận ra được nhiều điều hay ho, chứ ban đầu mà ào vô đọc lý thuyết nhiều quá là rối beng luôn đó.

Với những bạn không có thời gian, chúng ta có thể tập chụp trái cây, hoặc những thức ăn mua ở ngoài mang về.

Thật sự vừa nấu vừa chụp là một công việc rất “nặng nhọc”, có hôm tôi nấu, chụp 2-3 món xong là chân tay run lẩy bẩy, thở không ra hơi vì mệt. Rồi hôm nào trong người đang sẵn mệt mỏi, chán nản, thì tôi cũng chẳng muốn cầm lấy cái máy hình nặng trịch để mà ngắm-chụp-ngắm-chụp. Vì vậy, sức khỏe tốt cũng là một yếu tố quan trọng.

Món ăn nấu ra nên để nguội bớt rồi mới chụp, vì sức nóng sẽ làm mờ hình. Đừng tin vào những hình món ăn đang bốc khói nghi ngút, đó là khói giả đó, người ta dấu vòi phun khói vào 1 nơi nào kín bên trong hoặc đàng sau đĩa đồ ăn thôi. Và để chụp rõ được làn khói đó thì trình độ nhiếp ảnh cũng phải kha khá rồi. Nhưng cũng đừng loay hoay quá lâu, vì rau sẽ héo, thịt sẽ khô lại, nước dùng sẽ đóng váng … thấy ghê lắm ! Thời gian chụp nên càng ngắn càng tốt. Với những tấm ảnh quảng cáo thương mại, có khi người ta phải đổ bỏ món ăn đã bị khô, phai màu, làm lại món mới để chụp lại.

(Xin mời xem tiếp phần 4 : Bố cục & ánh sáng)