2. Camera gear
Như đã hẹn, phần này tôi sẽ nói về đồ nghề chụp hình, với kiến thức của một amateur thôi nhe.
Với những người mới bắt đầu và có ngân sách hạn hẹp cho việc này, một chiếc máy hình digital loại du lịch (ống kính liền trong thân máy, còn gọi là Point-and-Shoot hoặc PnS) từ 5 megapixel trở lên là đủ. Khi chụp, ta cài đặt máy ở chế độ chụp macro (nhấn vào biểu tượng hình bông hoa trên máy) và nhấn nhẹ nút chụp để máy tự lấy nét, nên nhấn thử nhiều lần, đến khi máy lấy nét đúng chỗ thì hãy nhấn mạnh để chụp. Nên tắt chế độ auto flash và chụp với ánh sáng tự nhiên là đẹp nhất. Một trong những blogger có hình food chụp rất đẹp bằng máy du lịch là bạn Vân ở www.gocbep.com . Khoảng từ năm 2008 trở về trước, bạn ấy toàn dùng loại máy này, sau 2008 mới upgrade lên máy ống kính rời.
Khi đam mê dâng trào và ngân sách nới rộng, đừng chần chờ gì nữa, hãy sắm cho mình một chiếc máy hình ống kính rời (DSLR – Digital Single Lense Reflex Camera), và mua một ống kính chuyên để chụp food thật thích hợp (vì ống kính bán kèm máy – còn gọi là kit lense – chỉ có thể chụp tạm thôi)
Bạn có thể ra tiệm bán máy và nhờ người ta tư vấn cho, sau khi biết ngân sách của bạn khoảng bao nhiêu, họ sẽ đề nghị cho bạn một list phù hợp (thường là số tiền sẽ nhỉnh hơn ngân sách của bạn, dễ gì người ta tư vấn số tiền thấp hơn !). Với tôi, bộ đồ nghề đầu đời do ông xã tài trợ cho là : máy Canon EOS 400D và ống kính macro 60mm f2.8. Sau gần 2 năm luyện tập, xã upgrade cho Canon 5D Mark II và ống kính macro 100mm f2.8. Tôi ưng cặp đôi máy-ống kính này lắm, có nó, tôi chụp lên tay hẳn !
Ngoài máy và ống kính, bạn cần phải mua chân đứng (tripod) cho máy nữa, vì có những hình chụp quá cận cảnh, chỉ cần rung máy nhẹ thì hình cũng bị mờ, chân đứng tốt sẽ giúp máy được cố định chắc chắn. Thậm chí để giảm rung, các chuyên gia còn sắm cả remote để nhấn nút chụp mà không phải chạm vào máy, hoặc nối camera với máy vi tính rồi dùng phần mềm để nhấn nút chụp. Nếu chưa sắp được tripod, bạn phải ráng kềm máy cho chắc hoặc đặt gá máy lên một vật gì, kiểu như một chồng sách chẳng hạn.
Có máy, lense macro và chân đứng rồi, thế nào bạn cũng sẽ “ngứa ngáy” kiêm thêm ngón nghề chụp close-up hoa lá, côn trùng và tĩnh vật. Mỗi thể loại đều có cái hay của nó mà ta không thể nào chạm đến điểm tận cùng.
Ngoài ống kính macro, tôi được biết người ta còn dùng ống kính fix 50mm f1.4 để chụp food nữa, loại lense này thích hợp với những food có view hơi lớn, cỡ như chụp cả một con gà quay, hoặc một mâm cỗ … Tôi còn đọc được trong sách là họ dùng cả ống tele để chụp food nữa. Tôi có ống tele nhưng chưa thử vì … ngại, cái ống tele này nó nặng hơn cái camera nhiều lần các bạn ạ !!!
Ngoài camera và ống kính, còn có một lô dụng cụ nữa mà tôi sẽ đề cập đến trong phần “sắp đặt ánh sáng để chụp ảnh” vì đây là những dụng cụ phụ trợ, nêu ra ở đây sợ … rối !
Mời bạn đọc qua bài kế, nói về kỹ thuật chụp hình với kinh nghiệm của tôi – dân nghiệp dư chính hiệu.