Không ít thì nhiều, ai trong chúng ta cũng đã từng được xem những tấm hình chụp món ăn đẹp “mỡ màng, mộng mị” làm nước miếng tươm ra như suối !

(Ảnh : Lou Manna)

Có lẽ hơn phân nửa số người đó là những người biết và thích nấu ăn. Thế là khoảng 70% số người này, mỗi khi nấu xong một món ăn ngon lại thoáng có ý nghĩ : “Chà, giá mà mình chụp được một tấm hình đẹp để khoe bạn bè trên blog/facebook và lưu làm kỷ niệm, ăn nhoằng một cái hết luôn thì phí quá !”. Một số người xăm xăm đi lấy máy chụp liền, chụp xong thấy không như ý lắm nhưng chép miệng : “thôi kệ, có còn hơn không”. Một số ít khác bắt đầu dành chút thời gian, công sức và tiền bạc để đầu tư cho những bức ảnh đẹp hơn, như là một thú vui.

Xin chia sẻ với các bạn có chung thú vui này với tôi những kinh nghiệm chập chững, cũng mong học hỏi được từ các bạn khác giỏi hơn, để chúng ta ngày càng có nhiều hình đẹp hơn, góp mặt với đời và chọc thèm nhiều người hơn nữa, hì hì. Xin nói trước là kinh nghiệm của tôi hơi “dân dã” và kiến thức cũng hạn hẹp chứ không được uyên bác lắm, đúng nghĩa là dân amateur, nhưng chắc chắn sẽ giúp ích cho các bạn mới bắt đầu, tôi tin thế !

Tôi tạm chia những kinh nghiệm của bản thân ra làm 5 phần :

1. Food stylist

2. Camera gear (Đồ nghề chụp ảnh nói chung)

3. Kỹ thuật chụp ảnh (tay ngang)

4. Bố cục, ánh sáng và một vài nguyên tắc chung

5. Các nguồn tham khảo khác

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

1. FOOD STYLIST

Để làm một food stylist, bạn không nhất thiết phải là một đầu bếp giỏi, thật đấy. Món ăn dùng để chụp hình của bạn không cần phải ngon lành lắm, thậm chí có khi nó còn không ăn được nữa là khác ! Nhưng nói vậy mà không phải vậy. Một food stylist giỏi phải là một người có kiến thức và kinh nghiệm về bản chất của các loại thực phẩm, thời gian nấu để đạt độ chín tới của thực phẩm, rành kỹ thuật nấu nướng nói chung.

Vì thế, ở nước ngoài, một food stylist thường là một người có học về nghề bếp, thường là các cooking chef, hoặc chí ít ra cũng là những người đã từng học về dinh dưỡng thực phẩm, hoặc là một môn học mà Việt Nam chưa có, tên gọi là home economics.

Món ăn không nên nấu chín đúng như nấu để ăn, khi lên hình sẽ không đẹp : Rau sẽ xỉn màu, miếng thịt trông hơi te tua (vì đã chín nhừ) … Tất cả thực phẩm nên nấu gần chín thôi để rau củ vẫn giữ nguyên màu và thịt cá trông có vẻ nguyên lành và căng mọng. Thậm chí có thể nấu rau riêng, thịt riêng, khi chụp hình mới xếp chung lại với nhau. (Chụp hình xong mình bỏ vào nấu tiếp cho chín, nêm nếm đàng hoàng rồi xơi ngon lành thôi).

Có nhiều tiểu xảo áp dụng với thực phẩm để chụp hình mà tôi không thể nào kể hết ra trong khuôn khổ bài viết này như bôi dầu ăn vào trái cây cho nó có độ bóng, dùng ghim sắt để nhíu phần da gà còn thừa làm cho miếng thịt gà trông rất có “nét” chứ không lùng nhùng, găm tăm vào các miếng bánh cookies để chúng có thể chồng lên nhau mà không rơi ra, dùng que sắt nung đỏ để khía vào miếng thịt nướng để trông như vệt cháy của vỉ nướng, pha … nước rửa chén loãng vào trà hay cafe để nó sủi bọt lên !!! Các bạn có thể tự tìm tòi thêm trong những nguồn tài liệu mà tôi sẽ kể ra ở phần 4, nhưng có lẽ chúng ta không nên quá sa đà với các tiểu xảo này vì thường thì người ta áp dụng để chụp những bức ảnh quảng cáo, chụp xong bỏ thức ăn vào thùng rác luôn. Còn chúng ta đâu thể “phí của giời” như thế, nên chỉ cần tham khảo sơ qua cho biết thôi, muốn có hình đẹp là một chuyện, nhưng ăn vẫn là mục đích cuối cùng mà, đúng không ?

Món ăn nên sắp xếp vào những chén, đĩa không có thành cao, vì sẽ làm cản trở tầm nhìn, khó chụp hình. Chén đĩa phải thật sạch sẽ, nếu làm dây thức ăn ra vành đĩa, chén, phải dùng khăn giấy hoặc que quấn bông gòn lau sạch ngay. Nên sưu tầm 1 số chén đĩa, muỗng nĩa đẹp để dùng cho mục đích chụp hình. Cỡ đĩa thích hợp để chụp hình chỉ nên có đường kính không quá 15cm, vì nếu to quá thì loại ống kính chuyên chụp food sẽ khó cho ra một view đẹp. Có những món, những dịp cần trình bày thức ăn trong đồ đựng đẹp đẽ sang trọng như nhà hàng. Nhưng cũng có khi đồ đựng cũ, background trầm buồn, mặt bàn gỗ sần sùi lại tạo một phong cách khác rất “tây”, rất lạ, đẹp dịu dàng và không chói lóa, hơ hơ ! (Cũ nhưng vẫn phải sạch bong nhé).


(Ảnh minh họa : stilllifewith.com)

Khăn lót (table mat), khăn ăn cũng là một phần quan trọng trong các đạo cụ (khăn trải bàn là không cần thiết). Nên sắm một mớ khăn lót đủ tông màu, đặc biệt những khăn có kết cấu thô lại càng đẹp khi lên hình. Với những hình cần có nền trắng tinh thì 1 tờ giấy trắng khổ lớn là ổn (ở nhà, mình dùng mặt sau của tờ lịch treo tường !).


(Ảnh minh họa : stilllifewith.com)

Ở nước ngoài, người ta còn dùng rất rất là nhiều những đạo cụ khác phục vụ cho việc chụp hình food. Một trong những thứ đó là các loại thực phẩm giả làm bằng nhựa. Người ta có đá giả làm bằng nhựa acrylic, lý do phải dùng đá giả vì đá thật rất nhanh tan và tạo ra vô số “mồ hôi” mất trật tự cho đồ đựng thức uống. Để chụp một ly thức uống có đá, người ta dùng đá giả, xong xịt nước hoặc xịt gel lên thành ly để tạo “mồ hôi”, vậy đó !  Ngoài đá giả thì còn có các loại trái cây giả để “đóng vai phụ” trong tấm hình. Sở dĩ phải dùng trái cây giả vì nó xài được nhiều lần, không hư dập, mùa nào cũng có (dĩ nhiên) và lại kinh tế nữa. Cái này rất có lý à nhe, ví dụ như mùa này ở TP Hồ Chí Minh, dâu Đà Lạt giá trên 100 ngàn/kg, không lẽ chụp một món gì có mấy trái dâu làm hậu cảnh, ta phải đi ra chợ mua mấy lạng dâu về à (mua vài quả chắc bị đánh chạy không kịp). Về độ đẹp à, khỏi lo đi, với lại nó chỉ là diễn viên phụ thôi nên không bao giờ người ta chụp cận cảnh mấy đồ giả này hết á.

Hình “diễn viên phụ” đây :

(Các sp này rao bán trên www.trengovestudios.com )

Với món ăn (thiệt) để chụp hình, quan trọng nhất là sự tươi mới của thực phẩm và bố cục  hợp lý. Và tôi có thể nói luôn “hợp lý” ở đây có nghĩa là “hài hòa và đơn giản”. Tôi sẽ nói thêm về bố cục ở phần sau.

Không nên sa đà vào các kỹ thuật tạo hình thực phẩm như tỉa hoa củ quả, sắp xếp công phu, vì xu hướng stylist hiện đại là phải thật đơn giản và tự nhiên.

Nên tạo độ cao cho món ăn, lên hình sẽ đẹp hơn vì đa số hình chụp food là chụp ở cự ly gần, góc thấp.


(Ảnh : mytartelette.com)

Để trau dồi óc thẩm mỹ trong ẩm thực, bạn nên sưu tầm hình ảnh món ăn từ các tạp chí, từ internet, xem thật nhiều, xem thường xuyên, để “thấm dần”. Ban đầu có thể bạn sẽ styling món này món nọ giống như một món mình đã nhìn thấy ở đâu đó. Nhưng lâu dần, sẽ hình thành một “gu” riêng trong bạn, mỗi khi nghĩ về một món ăn, các layout sẽ tự hình thành trong đầu bạn, rồi khi bạn bắt tay vào làm món, bạn sẽ lại tiếp tục thay đổi cho đến khi thấy hài lòng. Nhưng lúc cầm camera và chụp, có thể bạn lại thấy nó chưa thích hợp, lên hình chưa đẹp và lại phải thay đổi tiếp … mệt quá phải không ?  Thành quả lao động nào mà chẳng có mồ hôi ???

Trên đây là vài nét sơ lược mà tôi biết về food stylist. Mời các bạn bước sang phần 2 : Đồ nghề chụp ảnh.