Từ khi bố mẹ tôi lấy nhau, sinh ra anh trai tôi và tôi, rồi chúng tôi lớn lên, mấy chục năm trời gia đình tôi chưa hề dời, dọn nhà đi đâu, thế đủ biết là nhà nhiều đồ cũ, nhiều nồi niêu giế rách chổi cùn đến cỡ nào. Mẹ tôi qua đời, rồi tôi xuất giá tòng phu, cũng chưa có gì thay đổi. Đến khi anh trai lấy vợ, mới đập cái nhà ra để xây nhà mới, nhưng đồ đạc thì hầu như chẳng hư hao gì mấy. Cái gì cũng tiếc, cũng nhớ, cũng giữ vì nó gắn liền với quá nhiều kỷ niệm, từ cây đinh đóng tường cũng có cả một câu chuyện đi kèm theo (nhưng đinh thì không giữ lại được).

Trước khi đập nhà, anh tôi đã cẩn thận vừa chụp hình, vừa quay phim mọi ngóc ngách trong nhà để lưu làm kỷ niệm. Tôi thì có viết riêng cho mình một cái không biết gọi là hồi ký, ký sự, hay là thể loại gì nữa, tả lại mọi ngóc ngách trong nhà, từ cái chuông cà rem mẹ tôi buộc ngoài cửa để làm chuông gọi cửa, tới cái góc nhà hay trữ xăng để dùng dần (thời bao cấp).

Vài năm sau khi xây lại nhà, bố tôi cũng qua đời. Từ khi bố mẹ đều ra đi, những thứ trong nhà càng trở nên quý giá hơn trong mắt anh em tôi, vì cứ nhìn thấy chúng là chúng tôi lại nhớ tới bố mẹ da diết vì đồ vật gì cũng gợi nhớ tới bố mẹ và những sinh hoạt ngày thường của ông bà.

Rồi thời gian cũng làm công việc đào thải của nó, bàn ghế gỗ do chính tay mẹ tôi đóng thì bị mối mọt ăn, những đồ dùng bằng nhựa thì mục ra vỡ nát, sách vở giấy tờ thì thôi khỏi nói, nên cứ phải vứt dần, vứt dần từng thứ. Tuy nhiên có những thứ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, như cái cối đá to đùng mà mẹ tôi dùng để giã gạo nấu cháo nấu bột cho anh em tôi ăn lúc chập chững, hay là cái máy đánh chữ cổ lai hy mà mẹ vẫn dùng để soạn bao nhiêu là văn bản, thư từ rồi mẹ dạy chúng tôi đánh máy 10 ngón … vẫn còn rất nhiều thứ thú vị và hay ho mà tôi muốn lưu lại bằng ống kính của mình trước khi nó có thể bị hư hỏng và bỏ đi. Bằng cách này, chúng sẽ mãi mãi là của tôi, những kỷ niệm đó sẽ sống mãi …

Vật đầu tiên tôi đưa lên khuôn hình là bộ đồ uống trà của bố tôi.

(photo copyright : cooking4kid.com)

Bố có thói quen uống “trà tàu” (thực ra nguồn gốc vẫn là chè Thái Nguyên hay gì gì đó tương tự) vào mỗi buổi sáng sớm, khi ông vừa thức dậy, chưa ăn sáng gì cả. Nội thói quen này đã làm ba mẹ con tôi nể bố lác cả mắt, vì sáng chưa ăn sáng mà đã súc miệng bằng mấy chén trà đắng chát này thì nội công quá thâm hậu, bao tử chắc phải bền như inox mới chịu nổi ! Bố có thói quen rót trà từ trên cao xuống chén nên thường xuyên đánh thức cả nhà đang say ngủ bằng tiếng nước trà chảy rỏn rỏn vào chén.

Ăn uống gì xong, bố cũng tráng miệng bằng nước trà rồi mới gọi là xong bữa.

Khách tới nhà chơi, dù đang khát lè lưỡi, bố cũng chỉ mời uống trà bằng cái chén hạt mít nhỏ xíu. Trừ các vị “cao nhân” bạn bè bố ra, còn thì người thường đều được “cấp cứu” ngay sau đó bằng một ly nước lạnh đầy ắp cho đã khát. Còn đám phàm phu tục tử như tôi và các bạn tôi thì chôm của bố một chén hạt mít trà, cho vào ly cối, thêm nước và đập đá bỏ vô, ôi chao là sướng khi ực một phát cái ly trà đá mát mẻ thơm ngon đó. Bố cứ bảo, trà đắng trên lưỡi nhưng ngọt hậu trong cổ họng, thú thật tôi chưa bao giờ cảm được cái vị ngọt ấy, thật đáng tội chết.

Nhớ hồi bố mẹ chồng tôi lần đầu tiên đến nhà “ăn nói” với bố mẹ tôi cho “hai trẻ” được chính thức tìm hiểu nhau (dù chúng nó đã tự tìm và hiểu cả 5-6 năm trước đó rồi), bố tôi cũng trịnh trọng mời hai cụ xơi trà tàu, vừa hớp ngụm trà đầu tiên, hai cụ đã đứng tròng, nuốt chửng ngụm trà đắng và vội vàng xin châm thêm nước nóng để pha loãng trà ra … tôi đứng rình ở gian trong mà mắc cười gần chết.

Không chỉ có mấy cái chén hạt mít là đồ chơi tí hon, cả cái ấm trà đất nung nó cũng tí hon không kém, nó to chưa bằng một nắm tay người lớn nữa, cơ khổ, đây đúng là một loại trà đạo, chứ không phải trà để giải khát. Bố tự hào với cái ấm đất nung của mình lắm, bố bảo nó là đồ cổ, nó nhẹ tênh tênh, các chi tiết của ấm đều nhỏ xinh và tinh tế. Khác hẳn với các ấm đất nung Bát Tràng thoạt nhìn thì na ná, nhưng cầm lên thấy nặng trịch.

Những chén hạt mít của bố cũng là đồ cổ, miệng chén đều bọc một viền kim loại màu vàng nghe nói là bằng đồng. Mẹ tôi hay dè bỉu : cổ hay quý đâu không thấy, chỉ thấy cả đống vi trùng trú ngụ trong đó mà không tài nào rửa sạch được ! Những chén trên hình này thì không phải là những chén tôi nói, vì chúng đã vỡ tan trong một đêm giao thừa có đốt pháo, con mèo nhà nó sợ pháo nhảy lung tung hất văng khay trà của bố xuống đất, sau đó bố phải dùng đỡ chén hạt mít của Bát Tràng. Nhưng cái đĩa lót trên hình là đồ cổ, có viền bằng đồng, nó cũng vỡ, nhưng bố đã dùng keo dán lại. Cái khay trà bằng gỗ cũng là đồ cổ, bốn góc khay là 4 trụ bằng ngà hay xương gì đó, trông rất hay …

Bố tôi đôi khi cũng nhấm nháp thêm vài món ngọt khi uống trà : bánh đậu xanh Hải Dương, bánh khảo hay là kẹo lạc. Có lẽ kẹo lạc là món bố thích nhất trong các món ngọt. Ăn Tết có bánh mứt gì bố chẳng màng, chỉ hỏi là có kẹo lạc hay không thôi. Và ngoài việc uống trà với kẹo lạc, bố còn ăn bánh chưng với kẹo lạc nữa !!! Tôi chưa bao giờ thử, nhưng có lẽ Tết này tôi sẽ thử, vì bố tôi thuộc loại sành ăn, từ bò beefsteak ăn kiểu “rare” (ngoài cháy cạnh, trong sống nhăn đỏ hỏn) tới … thịt chó bố đều thích cả, nếu ông đã chọn bánh chưng đi kèm với kẹo lạc, thì chắc là nó phải có lý do chứ nhỉ ???