Sau khi hoàn hồn với cú vượt cạn thần kỳ và ngồi nhìn bé yêu lớn nhanh như thổi chỉ nhờ uống sữa, các bà mẹ lại đã bắt đầu băn khoăn nghĩ tới lúc bé ăn dặm, nghĩ tới cái sự khó khăn về việc lo bữa ăn cho bé khi mẹ phải đi làm lại. Nếu nhà có người giúp việc hoặc bà nội, ngoại, cô, dì cũng đỡ phần nào. Tuy nhiên, muốn cho con ăn uống theo ý mình thì phải tự mình xông vào mà làm thôi.

Theo sách vở, bé tròn 6 tháng tuổi là có thể bắt đầu ăn dặm được. Lúc con tôi tròn 6 tháng, tôi bắt đầu cho bé ăn dặm bằng loại bột gạo ăn liền của hãng Gerber (Nestle cũng có loại bột này), pha bột này với sữa công thức còn ấm, pha ít bột thôi, sao cho bột nhìn chỉ hơi sệt chứ chưa đặc sánh. Bé sẽ thấy hơi lạ : Quái, món này mùi vị thì quen mà sao không lỏng như sữa nhỉ ??? Bé sẽ dễ tiếp thu nếu bạn cho bé ăn vào lúc hơi đói. Dĩ nhiên mấy muỗng đầu sẽ rất nhoe nhoét, vì bé chưa có phản xạ nuốt khi được đút từ thìa, nhưng rồi đâu cũng vào đấy thôi.

Sau bột gạo, bạn có thể mua các loại bột ngọt của các hãng sản xuất bột ăn liền em bé. Bây giờ nhiều hãng quá, nào là HIPP, Gerber, Nuti, Nestle, Vinamilk … tha hồ mà lựa chọn nhé. Nhưng mỗi bé lại có khẩu vị riêng của mình, sau khi thử qua các hãng, bé sẽ tỏ vẻ thích, thích hơn, hoặc ít thích một số loại. Mẹ chỉ để ý một tí là biết ngay thôi. Con tôi cả hai đứa đều “yêu nước” lắm, nó chỉ thích bột của Vinamilk à !!!

Sau bột ngọt, có thể cho bé ăn bột mặn, nói là mặn vì người ta ghi tên “bột thịt heo bó xôi”. “bột gà táo”, v.v… chứ thiệt ra nó chả mặn tí nào, cũng hơi lờ lợ, ngòn ngọt, nhưng lạ miệng, cho bé khỏi ngán ấy mà.

Khi bé khoảng 7-8 tháng là nên bắt đầu nấu cháo gạo xay cho bé ăn. Nói gì thì nói, cháo nấu nó vẫn thơm ngon hơn bột ăn liền chứ, không ai có thể phủ nhận được. Nhưng lúc này, mẹ đã đi làm suốt ngày, 7-8h sáng đã ra khỏi nhà, chiều 4-5h mới về, làm sao kịp nấu cháo cho bé đây ?

Vẫn nấu được chứ ! Xin chia sẻ với các bạn kinh nghiệm nấu cháo em bé của mình  :

1) Cháo xay

Ở nước ngoài, trẻ em được tập cho ăn lợn cợn từ rất sớm (theo mình được biết, khoảng 5-6 tháng là họ cho các bé ăn những hũ thức ăn xay nhuyễn sẵn, nhưng đồng thời cũng cho bé gặm ăn chơi các loại trái cây, bánh, rau củ … để tập làm quen, khoảng 8 tháng trở đi là họ cho bé ăn đồ cứng hơn như mì, nui rồi), nhưng ở Việt Nam, ít có phụ huynh (phụ huynh ở đây bao gồm cả bố mẹ & ông bà nội ngoại !) đủ can đảm cho bé ăn lợn cợn sớm như thế vì lúc đầu tập cho bé ăn kiểu đó khá cực, đa số các bé sẽ dễ bị nhợn nhạo, sặc, ói … (nhưng vẫn có một số bé dễ thích ứng, chịu ăn cứng, nhai mà không có vấn đề gì). Nói chung phụ huynh phải có “máu lạnh” một chút thì mới sớm tập cho bé ăn cứng được : tức là để cho bé sặc ói vài lần, rồi dần dần tự thích ứng (nên tham khảo cách xử trí sặc ói của trẻ trước nhé). Cái này tùy hoàn cảnh và thể trạng của từng bé, không phải là khuôn mẫu với bất cứ ai. Nhưng tập cho bé ăn cứng sớm, nhai sớm được thì rất là tốt vì khi nhai, cơ hàm được hoạt động, nước miếng của bé cũng sẽ tiết ra nhiều hơn, tạo thêm sự ngon miệng và kích thích tiêu hóa hơn.

Trở về với cháo xay, đây là một loại cháo tự nấu ở nhà, xay nhuyễn như bột nhưng đầy đủ dinh dưỡng với các nhóm thực phẩm chính. Tôi có biết một cháu bé cá biệt, ăn cháo xay đến tận 5 tuổi mới bắt đầu ăn cơm nát được, thế mà giờ cu cậu đã 13 tuổi, cũng khỏe mạnh thông minh sáng láng !

Theo trung tâm dinh dưỡng TP HCM, một bát cháo cần có :

– 20-30g tinh bột (gạo, khoai …)

– 30g rau (rau lá, rau củ)

– 30g đạm (thịt, cá, tôm, trứng, đậu hũ …)

– chất béo (khoảng 5ml dầu ăn)

Cứ chiếu theo công thức chung này, các mẹ có thể kết hợp để chế ra hàng mấy chục món cháo cho bé ăn : thịt heo-rau cải, bò-cà chua, tôm-rau dền, trứng-cà chua, lươn-cà rốt, cua-mồng tơi … nhiều lắm. Mà nếu nghĩ không ra thì cứ search internet hoặc vào các website của Nestle, Milex … là ra cả đống công thức, nhưng lưu ý là mùi vị phải hợp nhau nhé.

Hồi đó, khi con đến tuổi ăn dặm, tôi đi làm từ 9h sáng đến 12h trưa. Trưa chạy về 1 tiếng, chiều lại làm tiếp từ 13-17h. Sáng ra trăm công ngàn việc, lại còn phải nấu cháo sớm, cho con ăn cháo xong thì đi làm. Nếu chén cháo không nấu xong trước 7 giờ sáng thì không thể nào đi làm kịp !

Tôi thường đi chợ 1-2 lần/tuần, mua thịt, tôm, cá … đem về rửa sạch, cắt nhỏ, xay trong máy xay thịt ở nhà (tuyệt đối không bao giờ mua thịt xay sẵn ở chợ). Khi xay thì cho 1 ít muối (rất ít, nhằm mục đích bảo quản), 1 ít hành tỏi (để thịt thơm hơn khi chế biến). Xay xong chia phần ra 30g/viên, bỏ các viên này vào những ngăn của khuôn làm đá rồi cho tất cả vào ngăn đá của tủ lạnh. Tôi kiếm mua loại khuôn đá mà những ngăn của nó chứa được đúng 30g thịt xay, về sau cứ thế nhét thịt vô, khỏi cân ! Giờ lâu quá rồi nên cũng không nhớ sao mình mua được cái khuôn vừa y như vậy ??? Hay là các bạn xách viên thịt của mình vô siêu thị, nhét thử vào mấy cái khuôn đá, khuôn nào vừa thì đem ra tính tiền, hi hi  – thấy giống phim Mr.Bean không, ông Bean vô siêu thị mua chảo phải xách theo con cá để ướm xem có vừa hay không Laughing

(Hình tôi chụp mang tính minh họa, không chắc cái khay đá này có vừa viên thịt 30g hay không đâu nha)


Gạo thì tôi cũng kiếm 1 cái muỗng to, múc được đúng 30g gạo, vo sạch từ tối hôm trước, cho vào một bình ủ cháo bằng inox, rót nước sôi vào bình rồi đóng chặt nắp lại, sáng hôm sau là gạo nở bung nhừ tử rồi. Bên dưới cũng là hình minh họa của cái bình, không nhất thiết phải mua bình Zojirushi đâu nha vì nó đắt lè lưỡi, mua bình của Taiwan, Korea cũng được, miễn sao là inox thiệt. Nhưng nhà ai có điều kiện thì nên mua bình xịn, vì ngoài công dụng ủ gạo, nó còn có công dụng ủ cháo thành phẩm nữa. Tức là khi ta đưa bé đi chơi ra ngoài, có thể đun sôi cháo (đã nấu) rồi đổ vào bình, đậy nắp chặt lại, cho cái bình vào túi, xách đi chơi thoải mái không sợ đổ. Đến giờ ăn, rót cháo từ bình ra tô, cháo vẫn còn nóng bốc khói, mùi vị nguyên vẹn, thật nóng sốt ! (Với những loại bình tốt, có thể ủ từ sáng sớm đến chiều vẫn còn nóng nguyên).


Vậy là gạo, thịt có rồi hen, rau thì lại càng dễ, ngày hôm trước ở nhà ăn canh rau gì thì chừa lại cho bé một ít rau chưa nấu. Với rau thì mình nghĩ không nhất thiết phải đúng 30g, mà tùy loại rau và mình tự cân nhắc lượng rau vừa phải cho chén cháo được ngon miệng thôi bởi vì 30g rau lá nó nhiều lắm, trong khi 30g rau củ thì vừa vừa hoặc ít …

Quy trình nấu :

– Rót cháo trắng trong bình vào nồi nấu, đặt lên bếp, khi cháo vừa lăn tăn sôi, cho thịt (thịt không nhất thiết phải rã đông) và rau đã xắt/băm nhỏ vào.

– Khi thịt và rau vừa chín, dùng máy xay cầm tay hoặc máy xay sinh tố xay nhuyễn tất cả.


– Cho vào chén cháo đang nóng 1 muỗng cafe dầu ăn, khuấy đều rồi dọn lên cho bé ăn.

Mách nước :

– Phân lượng trên là của một chén cháo, nếu 1 ngày bé ăn 3 chén thì có thể nấu chung một lần để tiết kiệm công sức và gas : dùng 3 viên thịt, 90g gạo, 90g rau để nấu. Xay luôn 1 lần và chia ra 3 chén. Bé ăn ngay 1 chén, 2 chén còn lại cất tủ lạnh (ngăn mát), khi nào tới bữa lấy ra cho vào nồi hâm lại, trộn dầu ăn vào. Cháo chỉ dùng trong ngày, không để sang ngày hôm sau.

– Lượng gạo có thể điều chỉnh từ 20-30g/chén tùy theo : loại gạo & độ nở bung của gạo, sức ăn của bé.

– Dầu ăn dùng cho bé : dầu mè trắng, dầu gấc (gần đây thấy ở siêu thị còn có loại dầu bổ sung DHA, nhưng rất đắt).

– Không nêm thêm mắm muối vào cháo vì bé dưới 1 tuổi chưa hoàn thiện chức năng của thận, ăn món ăn có nhiều gia vị sẽ không tốt cho bé. Bé còn nhỏ cũng chưa có nhu cầu ăn mặn, nếu cho bé ăn nhạt từ đầu, bé sẽ quen.

– Ban đầu khi chưa quen, lượng cháo có thể dư/thiếu 3 chén, nhưng khi quen rồi sẽ dễ canh đúng boong.

– Ở nước ngoài, có một số bà mẹ còn nấu sẵn cháo vào mỗi cuối tuần, xong cho từng chén cháo vào hộp, dán nhãn và đông lạnh trong freezer luôn. Khi đến giờ ăn của bé thì lấy nguyên “tảng” cháo đó ra hâm nóng và ăn thôi. Về nguyên tắc dinh dưỡng thì chất lượng của cháo không bị ảnh hưởng gì, nhưng mình chưa thử làm nên không biết mùi vị & kết cấu của nó ra sao, có còn thơm ngon và sánh mượt như cháo nấu ăn liền trong ngày không ?

– Các loại đạm “lạ” như tôm, cua, cá … nên chờ đến khi bé khoảng 8 tháng trở lên hãy cho ăn. Bước đầu cứ ăn thịt heo và thịt gà là lành nhất. Mỗi lần đổi món lạ, nên theo dõi xem bé tiêu hóa có tốt không, có bị dị ứng không ?

– Máy xay cầm tay hiện nay trên thị trường đang có bán các nhãn hiệu Phillips và Braun, bạn có thể ra các siêu thị điện máy hoặc các shop bán đồ trẻ em. Shop của mình cũng có bán : Rainbow Shop (click để xem hình sp và giá bán).

Dùng máy xay cầm tay tiện hơn máy xay sinh tố vì : rửa và cất gọn gàng, dễ vệ sinh, tiện dụng vì có thể cho thẳng máy vào nồi xay luôn, không cần phải đổ ra cái cốc đi kèm máy. Ngoài xay cháo, máy còn có thể đánh trứng, xay đậu xanh để nấu chè, v.v…

2) Cháo xay “đờ-mi” (demi) :

Khi bé khoảng 9 tháng trở lên, có thể tập cho bé ăn loại cháo này. Xay “đờ-mi” tức là chỉ xay thịt và rau thôi, gạo để nguyên hạt.

Quy trình nấu :

– Đổ cháo từ bình ủ ra, gạn lấy nước, cái để nguyên.

– Dùng nước cháo này nấu chín thịt và rau. Dùng máy xay nhuyễn thịt và rau.

– Trộn thịt rau đã nhuyễn vào với hạt cháo nguyên, đặt lên bếp khuấy đều và cho dầu ăn. Dọn cho bé ăn.

Tuy gạo để nguyên, nhưng hạt gạo đã rất nhừ, bé chẳng cần phải nhai đâu, chỉ cần làm quen với kết cấu lợn cợn thôi

3) Cháo không xay :

Khi bé khoảng 12 tháng trở lên, bé đã có khả năng ăn cháo không xay rồi, vì đã có vài chiếc răng, và nướu của bé cũng dùng để nhai được.

Quy trình nấu cũng có thể thay đổi một chút để cháo có mùi vị thơm ngon hơn, lượng gạo, thịt, rau cũng có thể tăng lên mỗi thứ khoảng 5g-10g/chén cháo.

Quy trình nấu :

– Phi dầu ăn với 1 ít hành, tỏi cho thơm, cho thịt/tôm/cá đã bằm nhuyễn vào xào chín tới.

– Rau băm trước thật nhuyễn

– Đổ cháo từ bình ra nồi, cho lên bếp đun lửa nhỏ, khi cháo sôi nhẹ thì trút thịt xào cùng rau vào, khuấy đều, nêm nước mắm, tí xíu đường, rau vừa chín là nhắc ra. (Không thêm dầu nữa, vì đã dùng dầu lúc xào thịt rồi).

4) Cơm nát :

Khi bé 18 tháng là có thể bắt đầu cho bé ăn cơm nát (lớp của các bé 18 tháng ở các trường mầm non còn có tên gọi là “lớp cơm nát”). Bao nhiêu tháng ròng ăn cháo suốt, bé ngán lắm rồi và sẽ rất hào hứng khi được ăn cơm.

Cách đơn giản nhất để nấu cơm nát cho bé là dùng 1 cái lon inox loại dùng làm đá cục, cho gạo và nước vào (lượng nước khoảng gấp 3 lần lượng gạo). Khi cho gạo, nước của cả nhà vào nồi lớn xong thì đặt cái lon của bé vào giữa nồi cơm của cả nhà rồi bấm nút nấu, đậy nắp lại. Cơm cả nhà chín cũng là lúc cơm của bé chín. Làm vài lần thì mẹ sẽ quen và tự canh được lượng nước phù hợp để cơm của bé có độ mềm nát như ý.

Những năm gần đây, ngoài thị trường có rao bán các dụng cụ nấu cơm nát cho bé, giá 300-400 ngàn đồng !

Nhưng thực sự là cũng chỉ có hiệu quả như cái lon inox mà mình nói thôi.

Các món ăn để bé ăn với cơm nát có thể là :

– Thịt bằm sốt cà

– Cá sốt cà

– Đậu hũ non rim hoặc sốt cà

– Trứng chiên rối

– Rau bó xôi bằm nhỏ xào thịt băm

v.v…. nhưng đừng trộn chung tất tần tật vào cơm nhé, ăn thế thì cũng như cháo thôi. Nên cho bé ăn một muỗng đồ ăn, một muỗng cơm, một muỗng canh riêng biệt, thế sẽ thú vị hơn.

Trong phần món ngon cho bé, mình sẽ giới thiệu nhiều món ăn hấp dẫn và mới lạ dành cho lứa tuổi 12 tháng trở lên. Thi thoảng các bạn vào xem mình “up” món mới nhé.

(Cháo cá nấu rau bó xôi – Bài đã làm cho báo MNVN)