Bố tôi đã mất được 10 năm, bố từng là nhà báo, kiêm nhà văn tại Sài Gòn từ thập kỷ 1960 đến khi gần mất bố vẫn còn viết (bút hiệu Nguyễn Nguyên – anh trai tôi tình cờ tìm thấy tóm tắt tiểu sử của bố ở đây), bố tôi viết cũng nhiều thể loại : từ chính luận, tản văn, phóng sự tới những tiểu phẩm trào lộng, hài hước, châm chích dí dỏm, đặc biệt bố viết khá nhiều về ẩm thực, vì bố tôi là người sành ăn, lại biết nấu ăn nữa (đặc biệt là nấu phở và nấu … thịt chó, rất ngon). Tiếc thay, hồi xưa internet chưa phổ biến, chưa có báo mạng, nên giờ chẳng biết tìm đâu lại những bài viết ấy (các bài viết về ẩm thực của bố chủ yếu đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị).

Tôi chỉ còn giữ được một bài về ẩm thực do bố viết, đó là bài “Tiếc thay hạt gạo tám xoan” được chọn đăng trong cuốn sách VĂN HÓA ẨM THỰC & MÓN ĂN VIỆT NAM của Nhà Xuất Bản Trẻ, xuất bản năm 2000. Bài này bố tôi viết về một loại gạo tám đã thất truyền của quê bố, đó là gạo tám xoan của quê hương Hải Hậu. (Ngày nay thấy nhiều nơi vẫn có bán gạo tám xoan Hải Hậu, thật tình mình không biết loại gạo này có đúng tám xoan mà bố nói không, nhưng mà ăn đã thấy ngon lắm lắm rồi)

Tôi type lại để giới thiệu cùng các bạn nhân dịp cái giỗ thứ 10 của bố đang đến gần (27/8 âm lịch)

——————————————————-

TIẾC THAY HẠT GẠO TÁM XOAN

Con sông Hồng đổ ra biển Đông, dòng chảy tới gần cửa Ba Lạt, bên hữu ngạn lại tẽ thêm một nhánh lớn tên gọi Ninh Cơ.

Cũng đỏ ngầu phù sa, nhưng nước sông Ninh tưới tắm cho đồng ruộng của mấy huyện thuộc vùng dưới tỉnh Nam lại tạo ra được những chân ruộng đặc biệt màu mỡ để trồng lúa tám.

Vân Đài Loại Ngữ, một bách khoa toàn thư cổ, ở chương IX (Phẩm vật loại), khảo về cây lúa, nhà bác học Lê Quý Đôn cho biết Sơn Nam hạ có nhiều giống gạo tám như tám sinh, tám lùn, tám cánh, tám râu, tám trâu và nổi trội hơn hết, ấy là tám xoan. Theo tác giả Vân Đài Loại Ngữ, các giống tám nói chung đều cơm dẻo và ngon. Riêng tám xoan, hạt lúa nhỏ, hơi dài, gạo rất trắng và thơm.

Làng tôi, một trong những làng nổi tiếng trù phú ở kề bên bờ sông Ninh. Bên đây cũng như bên kia sông, đồng ruộng các làng từng mảnh, từng khoảnh, từng thửa trồng tám xoan hoặc tám cổ ngỗng vào mỗi mùa vụ. Sinh ra đời, lớn lên ở quê nhà, trước sau tôi chỉ mắt thấy tai nghe có hai giống tám cổ ngỗng và tám xoan.

Trước hết, xin nói ở quê tôi, làm ruộng những nhà có bát ăn bát để phần nhiều ưa trồng tám cổ ngỗng. Giống lúa này, bông dài, sai hạt, khi chín gục, đầu bông vươn ra, gió thổi đu đưa trong hệt như cái cổ con ngỗng. Về mùi thơm vị ngọt của cơm, cổ ngỗng so với tám xoan chênh nhau bên bảy bên mười, nhưng tám cổ ngỗng chẳng những năng suất cao, mà điều kiện cấy trồng, công phu chăm sóc lại chỉ cần tương đối. Cấy tám cổ ngỗng, gặt hái xong, thóc đem bán cho hàng xay hàng xáo, trừ đi mọi khoản sở phí, tiền bạc dư ra được món hẳn hoi. Còn tám xoan, đã cấy là không thể tính lời lỗ, đã cấy thì chỉ dành cho gia dụng mà thôi.

Nội tôi ruộng cấy một vụ, ruộng cấy hai vụ tất cả chưa đầy trăm mẫu. Ruộng một vụ từng dãy thẳng cánh cò bay, sáu bảy chục mẫu ở tại vùng ven biển mới bồi, nửa năm ngập mặn nên chỉ trồng được hai giống lúa ri và lúa ré dâu. Ruộng cấy hai vụ thì cũng như người ta, tức là từng mảnh, từng khoảng, từng thửa, chỗ một mẫu, chỗ hơn mẫu, chỗ năm bảy sào rải rác trên các cánh đồng quanh năm hưởng cái ngọt ngào của nước sông Ninh. Ngót ba chục mẫu hết thảy đều là đệ nhất đẳng điền, nhưng chỉ có chỗ ruộng hơn một mẫu ở cánh đồng đầu thôn là được lựa ra để cấy tám xoan.

Trong Vân Đài Loại ngữ, cũng chương IX, Lê Quí Đông nói tám xoan ưa ruộng cao, đúng ra phải nói là ruộng ghềnh, loại ruộng tiếp giáp hoặc kế cận bờ mương bờ ngòi, dù nắng hạn cũng không khô nút, mưa dầm cũng không ngập úng. Chỗ hơn mẫu đây như tôi thấy, lúc từ lúc cấy đến lúc gặt, nước cứ luôn luôn xâm xấp và mặt nước thường luôn luôn phủ một lớp bèo dâu.

Bà nội tôi bận rộn trăm công nghìn việc. Rất nhiều việc bà không đủ thì giờ mà để mắt tới. Nhưng với tám xoan bà tự tay chọn giống, hôm nào cày, hôm nào bừa, bà đích thân lên đứng bờ ruộng xem xét trông chừng. Khi bông lúa ngã ngang, bà lại lên tận nơi thăm thú rồi định ngày gặt hái. Bao giờ cũng một gian nhà dọn dẹp sẵn để có chỗ mà chất đống những bó tám xoan, đồng thời là chỗ để người làm mướn ngồi mà tuốt từng bông. Tám xoan hạt dài, mỏng mình nên không thể vò, không thể đạp; giữ cho khỏi gãy, khỏi dập hạt lúa, chỉ duy mỗi cách là tuốt từng bông bằng đôi đũa tre.

Ông nội tôi bình sinh ăn uống giản dị, đồ ăn ngày hai bữa thường là rau đậu, tôm cá kho, nhưng cơm thì tám xoan nấu bằng cái niêu đất đã thuộc. Khách quý hoặc bạn thân của ông nội đến chơi, cơm thết đãi cũng nấu tám xoan. Cho nên tiếng rằng nhà cấy tới hơn mẫu tám mà vẫn không đủ dùng trọn năm. Bởi vì thường ngày hai bữa hai niêu cơm nhỏ, gạo nước chẳng có là bao, nhưng khách khứa đãi đằng rồi giỗ chạp tết nhất, đã vậy còn mỗi chuyến bà tôi lên chơi trên tỉnh Nam, trên Hà Nội, tám xoan là món bao giờ cũng phải đem theo làm quà.

Việc sắp xếp quà cáp cho mỗi chuyến đi của bà nội, mẹ tôi thường khi không hay biết gì, nhưng các chị giúp việc cho bà thì lại đoán trước được cả hàng nửa tháng. Các chị ấy hầu như chưa ai một lần đặt chân đến cái phố huyện, nhưng lại có thể kể ra vanh vách từng chỗ từng nơi trên tỉnh Nam, trên Hà Nội, nhà ai ở phố nào sẽ được nhận phần quà tám xoan. Vừa thuộc lòng tên tuổi những bạn bè cùng họ hàng thân thiết của ông bà, các chị vừa nhớ cả những ngày giỗ bên nội bên ngoại, đám ông phải theo, đám bà phải theo, phải đóng góp.

Ở quê tôi, các dòng họ to đều giữ chung một cái lệ là giỗ ông bà, các cháu nội ngoại đã thành gia thất, đúng ngày giỗ, mỗi cháu phải đưa đến góp tại nhà trưởng tộc một nồi cơm, nhưng thông thường cả nồi và rế đặt gọn trong cái thúng mõm bò, gạo nấu độ ba cân, ba cân rưỡi. Lệ là như vậy, nhưng nếu ở xa cách làng, đường trường diệu vợi, cháu đi cúng giỗ ông bà không bắt buộc cứ là phải nấu nồi cơm mà đưa gạo thôi.

Một cái quả sơn son thếp vàng đựng lưng lưng gạo tám, đó là phần đưa góp giỗ bên phía bà cụ cố đẻ ra ông nội hoặc cụ cố đàng bà nội tôi. Tất cả các chị làm cho bà lớp này lớp khác, có lẽ không mấy chị không một hai lần đội đi cái quả gạo ấy. Đội gạo theo bà đi đám giỗ tuy chỉ nửa ngày nửa buổi, nhưng ai nấy đều tự coi như mình đã mắt thấy tai nghe rộng khắp xã dưới làng trên. Đi một đám giỗ ở xa, các chị bảo được nghe, được thấy cái ăn, cái ở của thiên hạ người ta thì vui gấp mười lần hơn là được no nê ăn uống cỗ bàn. Rồi tuy không cùng nhau ước hẹn mà chuyện người đời, chuyện dưới âm, chuyện trên trời, trên mây, tất tất hết thảy đều được dốc ra khi các chị cùng tụ tập trong ngôi nhà bếp năm gian. Cơ ngơi của ông bà nội, nào tiền đường, nhà ngang, nào nhà kho, nhà khách, nếp trước nếp sau, nhưng năm gian nhà bếp những lúc ấy với các chị, hoàn toàn trở thành một thế giới riêng.

Một thế giới mà sáng trưa kéo dài từng hồi ù ì cối xay, thậm thịch nhịp chày cối giã, rộn rạo tiếng vỏ chai xiết đậu trên mâm, lốp cốp tiếng dao xắt củ, thái sắn trên thớt. Các chị người thì rủ rỉ, người thì rúc rích cười, người thì ngân nga câu ca, bài vè :

Tiếc thay hạt gạo tám xoan,

Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà

Hai câu ai nấy đều đã thuộc, đã quen tai rồi, nhưng không buổi xay giã nào mà các chị không có người ngâm ngợi để sau đó nối tiếp những lời phẩm bình, bàn tán. Chị thì bảo họa có rồ mới không biết thế nào là hạt gạo tám xoan. Chị thì nói so sánh ví von như vậy cũng chưa đúng lắm, bởi vì một cô gái nhan sắc nết na đã gặp phải thằng chồng không ra gì lại thêm bà mẹ chồng cay nghiệp thì số phận còn tệ hơn cả tám xoan mà thổi nồi đồng điều khiến cơm ướt rượt, rồi chan cái nước cà vừa chát vừa chua.

Lại có buổi các chị đua nhau điểm danh các ông nhà giàu nổi tiếng ăn uống cầu kỳ. Ông thì ưa tám xoan phải ghế thêm khoai môn xắt lát phơi khô để miếng cơm dẻo nhưng lại thấy vừa bở vừa bùi. Ông thì đòi tám xoan phải gặt lúc bông lúa còn non xanh để thưởng thức hạt cơm phảng phất thơm mùi sữa.

Sôi nổi hơn hết, ấy là những khi các chị nói về chuyện trên Hà Nội do bà kể lại. Ở trên ấy cái phố Huế có hai hàng cơm chuyên bán cơm tám. Trước sau gì cũng đều là tám cổ ngỗng ở dưới quê mình đem lên đấy, và nhiều người chả biết ất giáp gì thành ra cứ nói tám thơm. Tám là phải thơm, tám mà không thơm đâu còn là tám …

Những vui buồn, những cười cợt, những chê trách than phiền xảy ra từ tám cổ ngỗng hoặc tám xoan được các chị làm cho bà nội tôi thuở ấy thu gom có thể nói là hầu như bất tận. Thuở ấy cách nay đã trên dưới sáu chục năm; và lúc này hai bên bờ sông Ninh, đồng ruộng có nơi vụ mùa hàng năm đã cấy đại trà tám cổ ngỗng. Còn tám xoan năng suất thấp nên tuyệt giống từ lâu.

Ai đã ít nhiều từng biết tám xoan, chắc chắn không thể nào mà không thấy tiếc.

Tiếc thay …